Đối thoại...




ĐỐI THOẠI 01

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

Mẹ: Con tên gì?

Bạn: Bé Trà!

Mẹ: Con bi nhiu tuổi?

Bạn (đưa 2 ngón tay): Hài cúi

Mẹ: Con là con của ai?

Bạn: Ba chì.

Mẹ: Ai nữa?

Bạn: Mệệệ...

Mẹ (cắc cớ): Ai nữa?

Bạn (không thèm suy nghĩ): Bé Trà!

.........................................................................................................

ĐỐI THOẠI 02

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

Mẹ đi làm về, nghe ngoại méc ở nhà Trà cắn ngoại, đau lắm!

Mẹ: Trà à, mẹ muốn nói chuyện với con!

Bạn (kéo tay mẹ đến hành lang, ngồi bẹp xuống rồi đập đập tay xuống sàn ): Mẹ ngồi chuống chây!

Mẹ (sau khi yên vị): Ở nhà ai cắn ngoại?

Bạn: Oạp

Mẹ: Mẹ đang hỏi con đấy!

Bạn: Ố ồ...

Mẹ: Trả lời mẹ đi chứ?

Bạn Ai biếtttttt

Mẹ (bắt đầu diễn): Ơ, mẹ buồn lắm vì đã sinh ra một em bé không dũng cảm

Bạn (cúi đầu dòm xuống đất): Bé Trà!

Mẹ (chộp ngay thời cơ): À, bé Trà cắn ngoại à? Thế con cắn ngoại ở đâu đấy?

Bạn (vẫn không nhìn mẹ): Zú!

(Đã được "nạn nhân" xác minh là bị thương ở vú ạ!)

Mẹ: Thế mẹ cắn con thì con có đau không? (Vừa nói vừa ngoạm tay bạn một miếng rõ to)

Bạn: Ui ui ui ui....

Mẹ: Đấy, vì vậy mình sẽ không làm bất cứ ai đau nữa con nhé!

Bạn (nghiêng đầu kính cẩn): DÀÀÀÀ....

.................................................................................................

ĐỐI THOẠI 03

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

Từ sau khi sinh Trà, cứ mỗi lần trở trời là mẹ lại lạnh buốt đến tận xương. Hôm đó, mắc một trận mưa to đùng, mẹ choàng vội một cái áo ấm lên người. Trà lấy thế làm ngạc nhiên lắm.

Bạn: Mẹ. Áo à?

Mẹ: Ừ, mẹ lạnh lắm nên mẹ phải mặc thêm áo.

Bạn: Mẹ. Lạnh à?

Mẹ: Ừ, mẹ lạnh lắm! Không có ai ôm mẹ nên mẹ lạnh lắm!

Bạn (chỉ tay vào ai đó ai đó đang ngồi gần đó): Ba chì ơi ba chì! (ý bảo mẹ lạnh kìa, ba mẹ đi!)

..............................................................................................

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

Buổi tối, mẹ nằm gác tay trên trán, nghĩ: thế nghĩa là con đã biết nói rồi phải không? Thế nghĩa là mẹ con mình đã có thể trò chuyện được với nhau rồi đấy ư? Thế nghĩa là con đã có thể cho mẹ biết con nghĩ gì, muốn gì, đau ở chỗ nào, mà mẹ không phải mệt mỏi tìm hiểu để đáp ứng như trước đây nữa chứ? Và thế nghĩa là mẹ đang có một tình yêu hai chiều, có thể lắng nghe và được lắng nghe, có thể thấu hiểu và được thấu hiểu, có thể yêu thương và được yêu thương. Đúng không con?

Ai đó nói với mẹ: Khi con bạn biết nói, bạn sẽ được khám phá nhiều hơn cả một thế giới đấy! Ừ, chắc chắn là mẹ sẽ đón nhận điều đó, nhiều hơn cả một sự háo hức con à!

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

Nhà có hai chị em...

Chị tớ, người đàn bà không có tuổi

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

Và tớ, lúc nào cũng bị một người ganh tỵ chê là già

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

Thật ra là yêu nhau như điên!

Hôm qua, người đàn bà ấy buộc miệng bảo "Trà ơi Trà, để mẹ xuống nhà dưới lấy kem cho hai chị em mình ăn nhé!", xong mới biết là mình...hớ hàng. Thế mà vẫn cố chống chế "Ơ, cũng giống hai chị em lắm chứ, Trà hả?". Tớ chẳng biết nói sao luôn!

Mọi người ơi, giúp tớ đòi lại công bằng nhé!

Body painting art.




Acsimet bảo "Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng trái đất này lên!". Tớ không cần bảo "Hãy cho tôi một cây bút nhỏ, tôi sẽ vẽ cả thế giới này luôn!". Tớ chỉ hành động.

Khi tớ vớ phải một cây bút, chân tay tớ không ngừng ngứa ngáy. Nhưng tình hình là 4 bức tường trong nhà đã trở nên quá chật chội cho những ý tưởng lúc nào cũng đầy ắp trong tớ. Làm sao bi giờ?

Mẹ tớ có một câu hát ru rất bất hủ "Ngủ ngủ đi con, mẹ ngủ trước nha con!", thế là lăn ra khò khò luôn (chả biết giả bộ hay là thiệt nữa). Một buổi trưa, mẹ tớ ôm tớ ngủ. Dỗ mãi mà mắt tớ cứ ráo hoảnh, mẹ bảo, mẹ mệt lắm rồi đấy, mẹ ngủ trước thiệt đấy, con cứ thoải mái ngủ sau nhé! Ôi, tớ chỉ chờ có thế. Đợi khi mẹ đã say giấc điệp, tớ mang đồ nghề ra, một cây bút, và bắt đầu....èn en en en...

Mọi việc chỉ kết thúc khi tớ cũng lăn ra khò khò, còn mẹ thì vừa tỉnh dậy vừa dụi dụi mắt đến mấy chục cái. Không thể tin được, trước mặt mẹ bây giờ là một tác phẩm body painting siêu hoành tráng

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

Tạo dáng pro không? Mở ngoặc tí nha: chỗ đen đen bóng bóng này là cái đầu giường á! Là sao? Là nằm ngược chứ là sao nữa!

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

Choáng nhỉ!

Tớ thù bọn baby johnson lắm đấy, vì chúng đã làm tác phẩm nghệ thuật của tớ trôi sạch sẽ sau 2 tiếng đồng hồ trưng bày (dĩ nhiên là chỉ được trưng bày trong lúc tớ ngủ). Sau vụ này, tớ nghiệm ra 1 điều, không có giới hạn cho nghệ thuật và sở thích, nhưng thành công hay không là còn tuỳ thuộc vào việc lựa chọn thời điểm của bạn . Ặc ặc, tớ phải cám ơn mẹ đã (rất dã man) ngủ trước tớ mới được!

Mùa gió chướng




Những bức ảnh này mẹ chụp cho Trà cách đây 2 tuần. Lúc đó Trà hãy còn thích bú bình lắm. Trong lúc mẹ pha sữa, bạn cứ lon ton chạy theo mẹ gọi "Mẹ. Chữa. Bé Trà. Uống chữa!". Bao giờ, sữa cũng không kịp nguội cho bạn uống! Về chuyện uống sữa của bạn, mẹ bạn tự hào lắm lắm!

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

Rồi một ngày đẹp trời nọ, đùng một phát, bạn từ chối sữa như đã từng từ chối bạn Bỉm và bạn Ti Cao Su. Khi bình sữa ngọt ngào được mớm đến tận mồm, bạn lắc đầu, xua tay nguầy nguậy "Không chữa. Bé Trà. Không chữa!". Mẹ ngỡ là bạn đang ham chơi nên không muốn uống. Thế nhưng đã mấy tiếng đồng hồ trôi qua mà bạn vẫn không có dấu hiệu gì là "muốn chữa". Mẹ bắt đầu năn nỉ => Không được. Dụ dỗ => Không kết quả. Dùng vũ lực => Khóc. Giận hờn, mát mẻ => Không xi nhê. Mẹ cáu, cho nhịn đói luôn đêm đó. (Xót ơi là xót í!)

Qua hôm sau, hôm sau nữa, bạn vẫn cự tuyệt với sữa. Ông nội xót cháu, lập tức mua về một loại sữa khác, loại sữa hộp màu mè hoa lá hẹ, có cắm ống hút, uống sành điệu như người lớn chứ chả phải ôm ti như em bé. Ui trùi là bạn hút chùn chụt luôn, hết hộp này đến hộp khác, như thể uống bù cho những ngày "không chữa". Uống xong, vứt hộp vào thùng rác, phủi tay, cười toe toét và nói với mẹ thế này "Mẹ. Bé Trà. Chữa!" (nghe cứ như là "mẹ bé Trà có chửa" vậy, hức!)

(Thật ra, vì không đảm bảo loại sữa mới có đầy đủ chất lượng và thành phần dinh dưỡng như sữa cũ hay không, nên mẹ vẫn chưa hết lo đâu ạ. Dù Trà vẫn thích uống sữa mới, uống đều đặn, nhưng không chắc là đến lúc nào bạn sẽ chán loại sữa này. Oài, đến lúc đó mẹ lại phải đau đầu tìm một loại khác để thay thế nữa!)

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

Tình hình là Trà đang làm cho mẹ ngày càng khổ sở vì những thay đổi xoành xoạch của bạn ấy. Từ chỗ bỏ bỉm, bỏ ti, đến bỏ sữa. Từ chỗ không biết nói tí gì đến nói nhiều như két (lại còn hát và đọc thơ). Từ chỗ đang ăn ngủ ngon lành tự dưng thích thức đến 2 giờ sáng. Từ chỗ mẹ cho gì mặc nấy thì bây giờ tự stylish quần áo cho mình luôn. Từ chỗ rất nghe lời mẹ bỗng dưng không thèm làm theo bất cứ một yêu cầu nào của mẹ (dù là chính đáng) cả! Nghe thì có vẻ là chẳng có gì trầm trọng, nhưng mẹ vẫn điên, chỉ vì mẹ thật sự không hiểu bạn đang muốn gì. Chỉ riêng việc đuổi theo nhu cầu và những thay đổi (đôi khi rất chướng) của bạn ấy, mẹ thấy mình thật sự chới với!

Trưa nay ăn cơm với má Hai của Nhím, nghe nói Nhím (và các đứa bé khác) cũng đều có những thay đổi tương tự ở tuổi lên ba. Sẽ có một khoảng thời gian bé rất chướng và tỏ thái độ "chống đối" bố mẹ. Nhưng từ từ rồi mọi thứ sẽ đâu lại vào đấy thôi, khi bé trưởng thành hơn.

Mẹ nhắc mình "thôi, bớt lo sợ lẩm cẩm giùm cái đi mẹ ui! Mệt đầu quá!"

Cái giếng




Ở một entry trước, chú Cracking.in.the.rain có comment thế này:

Chú thì có cảm giác Trà là cái giếng.
Mẹ Trà đi làm mệt về, múc ở đó một gáo hạnh phúc để gội sạch những lo toan.

Ôi, chú phải kiếm một cô nào cho nhanh để "sản xuất" ra những buổi chiều như vậy mới đc.

Và cũng ngẫu nhiên, Trà có những bức ảnh chụp bên cái giếng thật là ngộ...

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

Nhưng ý tưởng sẽ viết một entry về giếng thì không ngẫu nhiên chút nào...

Mẹ đã đọc quyển "Biên niên ký chim vặn dây cót" trong suốt 8 ngày ở Trung Quốc. (Mẹ có thể chọn một quyển khác, nhưng chẳng hiểu sao lại vác nó theo. Quyển sách rất dày và rất nặng). Có nhiều tình huống li kì trong BNK, một vài chi tiết gờn gợn khiến mẹ rùng mình (dù chắc chắn đó không phải là một quyển trinh thám hay kinh dị), và một vài hình ảnh không thể quên được. Đó là hình ảnh của một cái giếng cạn.

Ngày bé, mẹ tìm thấy một cái miệng giếng trong trang trại trồng nấm của ông bác. Nhìn xuống cái lỗ hun hút trong lòng giếng, tối đen, sâu hoắm, mẹ hình dung ra lỗ đen vũ trụ, đến một thế giới khác nơi chúng ta đang sống. Là một nơi không thể kết nối với bên ngoài. Nếu ở đó có người, thì hẳn người ta sẽ không thể nào tồn tại qua một mùa cô độc. Cô độc cho tới chết. Khi ấy, mẹ 10 tuổi. Đã lờ mờ nghĩ: khi không còn ai bên cạnh, không còn lương thực, không còn vận động, không còn không khí, không còn ánh sáng mặt trời, người ta sẽ chết.

Mẹ sợ tất cả mọi cái giếng trên đời này.

Vì đối với mẹ, cô độc là một điều thật sự kinh khủng!

Và rồi hình ảnh những nhân vật trong BNK lần lượt dùng một cái thang dây để đi xuống đáy giếng, nhốt mình trong bóng tối và suy nghĩ. Cái thế giới siêu thực và tưởng như là rất phi lý ấy, lại chính là nơi để con người tìm lại bản ngã của chính mình. Mẹ giật mình nhận ra, ở đâu thì người ta cũng có thể cô độc. Con người càng lúc càng cô độc, đến mức miễn nhiễm với nỗi lo sợ cô độc luôn rồi. Lúc này, cái giếng là kẻ thoả hiệp vô điều kiện với sự cô độc, lại là nơi "cưu mang" cho những chiêm nghiệm trưởng thành về bản ngã nơi họ. Ở đấy, ít nhiều họ tìm thấy sự an bình, dù là trong bóng tối.

Trà ơi, Trà à...Mẹ không dối lòng là đôi khi mẹ thấy cô độc khủng khiếp. Đó là lý do vì sao mẹ sợ phải đi về một mình con đường từ cơ quan về nhà mình. Mẹ càng sợ hơn khi nghĩ đến thời gian sắp tới, ba sẽ xa mẹ con mình một thời gian dài để đi học tiến sĩ ở Thái Lan. Dù rằng ba không bao giờ ngừng vỗ về và động viên mẹ cố gắng vượt qua thời gian đó, dù rằng ba không ngớt hứa hẹn về những điều tốt đẹp sẽ có khi ba trở về, dù rằng mẹ thật là một nữ cường nhân (đã từng) không biết sợ thứ gì trên đời....Mà ngẫm đi ngẫm lại, cô độc vì một điều rất chi hiện hữu thì còn hạnh phúc, chứ cô độc ngay cả khi ta đang có tất cả trong tay mới thật là bi kịch....Đôi khi, mẹ ước có một cái giếng cạn để mẹ chui vào đó. Mẹ rất sợ ở một mình trong cái giếng sâu lạnh lẽo, nhưng nếu mẹ làm được, (nghĩa là đã chạm ngưỡng của nỗi sợ), thì mẹ sẽ chẳng còn sợ bất cứ một sự cô độc hữu hình hay vô hình nào nữa!

"Đừng quá quay quắt về bản thân. Bạn sẽ không còn cô độc khi cuộc sống của bạn thuộc về Trà Sữa". Hihi, đó là một tiếng nói vọng lên từ trong lòng giếng!

Cái giếng của Trà (thật ra đó là một cái ống cống đã cũ, cậu của mẹ trát xi măng bên dưới đáy, đổ nước vào, thả vài con cá, vài lá súng, vài múi trùng chỉ. Gọi nôm na là bể cá dã chiến):

Trà phát hiện ra giếng chỉ vì ở đó có cá.

Trà cũng cho rằng cá có thể ăn được mọi thứ từ lá cây màu xanh, đến bông hoa sứ màu đỏ, đến hạt chuỗi ngọc màu cam.

Trà quẳng tất cả vào giếng để cá ăn cho mau lớn!

Trà đang giúp mẹ nhận ra những triết lý đơn giản hơn về giếng!

Con bò nghĩa là con trâu?




Sáng chủ nhật là những buổi sáng của cà phê.

Bạn Trà chăm học nói đến mức thấy a, b, c gì cũng chỉ và bắt mẹ phải gọi tên cho bằng được đó là cái gì. Rồi lặp lại y hệt.

"Ghế đấy", "bàn đấy", "cây mít", "hoa", "lá", "mái nhà", "bức tường", "ly", "dĩa", "cà phê", "muỗng", "chim kìa...chim kìa"....

Bàn bên cạnh có một con bé, có thể là lớn hơn Trà một vài tuổi.

"Bé, bé"- Trà gọi.

Mẹ đang thao thao nào "chim hót", "hoa nở", "lá xanh", "nắng nắng"....thì bạn Trà chỉ vào vật con bé đang cầm trên tay, ý hỏi đó là cái gì.

Mẹ phải trả lời Trà thế nào nhỉ? Vì đó là một khẩu súng.

"Đồ chơi", mẹ nói. Xem ra Trà có vẻ hài lòng với câu trả lời của mẹ.

Vừa lúc ấy, con bé bàn bên chĩa súng về phía Trà bắn "pằng pằng" khiến bạn ngơ ngác. Cũng may, một bầy chim vừa sà xuống gặm bánh mì gần chỗ Trà đứng. Mẹ bảo "con mang bánh mì cho chim ăn đi!". Và bạn Trà cũng kịp háo hức với trò cho chim ăn bánh.

Mẹ nhớ, ngày xưa mấy cô bạn mẹ thường đùa thế này "Sau này có con, mày chỉ con bò và bảo nó con trâu, xem nó phản ứng ra sao nào". Tất nhiên, đó chỉ là một câu đùa. Cuộc sống có thật nhiều phép thử. Người tồn tại không phải người thông minh, mà là người đã từng vấp ngã và đứng lên như thế nào. Lúc đó, mẹ không nghĩ như vậy. Mẹ chỉ nói, không, tớ sẽ thật trung thực với con tớ, vì tớ không muốn nó bị mất lòng tin vào mẹ mình, dù chỉ một lần.

Câu chuyện hôm nay khiến mẹ liên tưởng đến câu đùa ngày trước. Mẹ đã không cho con biết tên của món đồ chơi kia là "cây súng", cũng như câu trả lời của mẹ chỉ là một phản ứng nhanh, (vì thật sự lúc đó mẹ không biết phải giải thích với con thế nào). Mẹ cũng giật mình khi nghĩ đến sẽ còn phải giải thích với con hàng trăm nghìn thứ khác bên ngoài xã hội rộng lớn, nào là siêu nhân, xe tăng, súng ống, bom đạn, chiến tranh, giết chóc, và hằm bà lằng những thứ tiêu cực khác.... Có những điều mẹ chẳng biết phải giải thích vì sao rõ ràng là A nhưng cuối cùng thì lại thành B. Hừm, thì có khác gì con bò mà mẹ lại phải nói nó là con trâu, như một câu đùa ngày trước?

Không phải là hôm nay. Nhưng ngày mai, nhất định mẹ sẽ nói, dù con bò có thế nào thì cũng không thể biến thành con trâu được! Chỉ cần con biết rằng, đã có những con bò, thì sẽ có những con trâu, có trắng thì phải có đen, có tốt thì cũng có xấu, có sai và có đúng, có tích cực và tiêu cực, có thất bại và thành công, có chiến tranh và hoà bình, có yêu thương và ghen ghét....Xã hội luôn có những điều đối lập như thế, và chúng ta phải chấp nhận sống chung với nó như một tất yếu, để mà rèn luyện. Cuộc sống là một chuỗi rèn luyện không ngừng. Cũng như mẹ ở từng tuổi này, cũng mắc phải sai lầm, đôi khi cũng không tránh những suy nghĩ tiêu cực....Một người bạn của mẹ đã nói "không quan trọng bạn đã làm gì sai, mà là bạn đã khắc phục những sai lầm đó như thế nào"...Những điều xấu giúp mình tốt hơn, nên mẹ sẽ chẳng bao giờ phủ nhận nó cả.

Hihi, bây giờ mẹ đã có thể dõng dạc nói với con rằng "cái món đồ con bé cầm hồi sáng là SÚNG đấy! SÚNG không tốt vì SÚNG làm người ta đau. Thôi con đi chơi với bạn CHIM đi!"

(Hehe...không được xuyên tạc nha pà kon!)

Những buổi chiều bình thường




Mẹ ghét nhất là đọan đường từ cơ quan về đến nhà mình. Vì nó dài quá. Mất 45 phút để di chuyển. Mẹ chỉ bắt đầu thấy háo hức vào những phút cuối cùng của cái quỹ 45 phút ấy, vì rằng mẹ sắp gặp con.

Và buổi chiều sẽ bắt đầu từ đó, những bất ngờ bắt đầu từ đó....

Nghe tiếng mở cổng, con đã gọi váng khắp nhà "Ba về", "Mẹ". Điều đó nhắc mẹ nhớ, trong mớ từ vựng ngày càng dày lên của con, "ba", "mẹ" đã không còn là một từ, một âm tiết nữa. Nó chỉ những con người hiện hữu. Những con người cảm thấy cuộc sống của họ ý nghĩa hơn rất nhiều từ khi có sự xuất hiện của con.

Mẹ chào con, luôn luôn bằng một nụ cười, một vòng tay, và một lời đề nghị khiếm nhã. Hôn mẹ với! Cho dù con rất kiệm nụ hôn với mẹ, nhưng có hề gì, mẹ đã ôm hôn con tới tấp. Cái mùi trẻ con nồng nàn oi oi của một ngày dài họat động (quá sức). Mùi tóc. Mùi baby johnson thấm mồ hôi chua lóet. Khiến mẹ yêu.

_ Trà chưa tắm phải không?

Lắc đầu, và kéo tay mẹ đi một mạch vào nhà tắm

_ Mẹ. Tắm. Bé Trà!


Nói rất rành mạch, từng chữ một. Bà ngọai nằm trên võng cười hềnh hệch. "Nãy giờ nó có cho tắm đâu. Đợi mẹ về đấy!"

Trà lớn rồi. Tắm ngoan. Không khóc một tiếng khi gội đầu. Mà mẹ cũng chẳng phải gân cổ hát bài "I like to take a bath with my duck" như hồi đó nữa!

Một buổi chiều bình thường sẽ có một bữa cơm chung bình thường. Cả nhà quây quần bên mâm cơm nghi ngút khói. Trà lăng xăng phụ ba bê mâm cơm. Giành xới cơm, chia đũa cho từng người. "Hai chiếc", Trà vừa nói vừa so hai chiếc đũa cho đều và bắt đầu màn phân phát. Có hôm, mẹ mải cắm đầu vào máy tính, chưa kịp ngồi vào mâm thì Trà đã khệ nệ bưng một cái chén tú ụ cơm và một đôi đũa đến tận bàn làm việc cho mẹ. Chỉ để nghe mẹ cám ơn thôi. Trà thích được cám ơn, để rồi mắc cỡ hả họng thật to.

Một buổi chiều bình thuờng. Nếu không có những cơn mưa làm con đường nhà mình đọng lại thành vũng, Trà với ba sẽ đi bộ ra đầu hẻm đón mẹ về. Trà đặc biệt thích một ngôi nhà có giàn hoa giấy và sẳn sàng mang hoa về nhà, đầy tay. Sau này, ba không cho Trà ra đó chơi nữa, nếu như Trà vẫn chưa biết nói với chủ nhà rằng "cháu thích hoa của bác, cháu có thể hái một ít về nhà được không?"



Photo Sharing and Video Hosting at PhotobucketPhoto Sharing and Video Hosting at Photobucket


Một buổi chiều bình thường sẽ chỉ kết thúc khi ngòai trời bắt đầu nhá nhem. Nhưng sự quấn quýt không dừng lại. Trà sẽ lôi trong giỏ đồ chơi của mình bộ ráp hình, lấy tay đập đập xuống nền gạch và bảo "Mẹ ngồi chuống chây (xuống đây)!". Những ngôi nhà, cầu vượt, xe cộ lần lượt hiện ra. Trà khóai chí vỗ tay cười khanh khách. Khi cao hứng, bạn cũng có thể hát một bài rất dài. Nhưng như đa số các ca sĩ VN mà bạn xem trên tivi, bạn hát chưa bao giờ rõ lời cả.

Lúc ấy, nếu tivi phát chương trình ca nhạc, Trà sẽ nhanh chóng quên mất bộ trò chơi ráp hình. Bạn kéo tay mẹ đứng dậy, miệng không ngớt lách chách "Mẹ. Múa. Bé Trà". Và múa như công. Hàng xóm đã quá quen thuộc với hình ảnh "vũ điệu mẹ và con" rồi. Mẹ lúc đầu cũng mắc cỡ lắm. Sau này chả thèm để ý đến cái cửa sổ trổ ra nhà đối diện nữa. Mặc kệ. Múa với Trà vui hơn nhiều, tuy là hơi...mỏi, và....nhắng nhít không chịu nổi. Trà sẽ rất thích nếu mẹ vừa múa vừa hát. Bài "búp bê bằng bông biết bay bay bay...."

Hôm nay cũng là một buổi chiều bình thường. Trà chơi quanh quẩn bên chân mẹ. Miệng không ngớt líu lo. Không để ý lắm nên khi định thần nhận ra những gì Trà nói, mẹ không khỏi giật mình

Búp bê à

Suốt ngày dài

Cầm mong móng (bong bóng)

Bay bay bay...

Mẹ cho rằng đây là một bài thơ, ảnh hưởng một chút của bài "búp bê bằng bông", nhưng rõ ràng là những gì Trà đọc lên trong một lúc ngẫu hứng. Mẹ đã phải ghi lại vội vàng trên vỏ một hộp thuốc vì sợ mình sẽ quên mất. Bạn Trà thật sự làm mẹ bất ngờ...Còn Trà thì vẫn tỉnh queo và lắc đầu khi mẹ đề nghị đọc lại cho mẹ nghe, như thể đó chỉ là một điều bình thường thôi mà.

Buổi chiều hôm nay cũng là một buổi chiều bình thường.....

Thăm bà cố ốm.




Bà ngoại là mẹ của mẹ. Bà cố là mẹ của mẹ của mẹ. Bạn có bao giờ thắc mắc là vì sao lại có nhiều bà mẹ đến thế? Tớ thì tớ nghĩ, càng có nhiều mẹ, yêu thương càng được nhân lên nhiều lần. (Hihi, các ông bố có vin vào điều đó để đi tìm thật nhiều mẹ cho con mình không nhỉ?)

Nhà của bà cố xa lắm, ở gần chỗ có núi ấy. Bên cạnh núi là biển, đẹp lắm! Hồi tớ 6 tháng tuổi, mẹ tớ đã bế tớ về thăm bà. 1 lần nữa là lúc tớ 9 tháng tuổi (vẫn bế), rồi 15 tháng tuổi (đang đi chập chững), 23 tháng tuổi (chạy tung tăng rồi) và bây giờ là 25 tháng tuổi (nghịch như quỷ sứ). Mỗi lần tớ về, mọi người trong nhà đều ngạc nhiên về cách tớ lớn. Các dì, các cậu của mẹ bảo tớ lớn nhanh như thổi ấy, hệt mẹ tớ hồi bé.

Lần này, về thăm bà, không vui lắm, vì bà bị tai biến, liệt nửa người, phải nằm bệnh viện. Nhà bà đã rộng, giờ càng thêm trống trải. Mấy hôm tớ về, trời mưa suốt. Ngoài những giờ ở bệnh viện, tớ tha thẩn quanh sân, chơi với rất nhiều em bé trạc tuổi tớ, nhỏ hơn tớ, lớn hơn tớ, đủ cả....Tất cả đều là em họ của mẹ, nên tớ phải gọi các bạn ấy bằng cậu và dì. Dì bé nhất, nhỏ hơn tớ 6 tháng tuổi. Cậu lớn nhất cũng chỉ mới học lớp 4 thôi. Tạnh mưa, mấy cậu dắt tớ đi bắt dế. Con dế đẹp hơn con gián nên tớ không sợ, tớ có thể bế một em dế trên tay mình.

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

Nói một chút về bà cố nhé. Mẹ kể, xưa bà cố có một đứa con gái, được 2 tháng tuổi thì bị viêm não mà chết. Hai bầu ngực của bà đang căng sữa, giờ không còn đứa bé nào bú thì trở nên đau nhức. Sau khi đứa bé mất được ba ngày, bà cố đi nhà thờ và gặp người bà con của mình đang bế một đứa bé bụ bẫm xinh xắn. Con bé khát sữa. Mẹ nó vì một lý do nào đó mà không thể cho con bú. Thế là bà cố bảo, để tôi cho nó bú, sữa tôi còn nhiều thế này....Con bé ôm ngực của một người không phải mẹ mình, bú chùn chụt như thể nếu rời ra, cả đời nó sẽ không còn được uống một thứ nước nào ngon ngọt đến thế.

Đứa bé khát sữa ngày ấy là bà ngoại của tớ.

Bà cố mang ngoại về nuôi. Vì nghe nói người sinh ra ngoại cũng đang có ý định tìm một gia đình đàng hoàng tử tế để cho con đứa con rứt ruột đẻ ra của mình. Vì lý do gì thì xin không nói. Tớ chỉ biết rằng từ đó, ngoại tớ đã có người để gọi là má, mẹ tớ đã có người để gọi là ngoại, và tớ bây giờ đã có người để gọi là "bà cố". Với tớ, hai từ đó nhiều ý nghĩa hơn cả một sự trìu mến!

Sau đó, bà cố sinh cậu ba, dì tư, cậu năm, dì sáu, cậu bảy, dì út. Ngoại tớ đương nhiên được làm chị hai. Một tay ngoại chăm em, nuôi heo, gánh nước, dọn dẹp trong ngoài sạch sẽ. Các em sợ chị hai một phép. Tiếng nói của chị hai là quan trọng nhất nhà. Điều đáng nói là, ngoại tớ chưa bao giờ có cái cảm giác mình là con nuôi cả. Thậm chí ngoại cũng không biết điều đó cho đến năm ngoại 18 tuổi, hàng xóm cứ xầm xì về chuyện ngoại không phải là con ruột của bà Yến. Chuyện đến tai bà cố, bà chửi mấy người rỗi hơi một tăng toé lửa, sau đó mới nói với ngoại, thì đúng con không phải là con ruột của má. Nhưng có hề gì? Má vẫn là má của con, nuôi nấng dạy dỗ con nên người. Các em con đều thương yêu chị hai của nó. Con lớn rồi, cũng đến lúc tìm nguồn gốc của mình để mà báo hiếu. Má không cản. Mặc dù má đau lòng lắm, nhưng má để con tự quyết định cuộc đời của con. Chỉ cần nhớ rằng, suốt đời, con vẫn là con của ba má, là chị của các em con. Vậy thôi!

Bà ngoại tớ khóc nhiều lần, sau đó quyết định vào Sài Gòn tìm mẹ ruột của mình. Sau này, ngoại nói, đó là sai lầm lớn nhất của cuộc đời ngoại, dày vò ngoại, khiến ngoại lúc nào cũng cảm thấy ân hận, ray rứt. Nhất là từ sau khi ông cố mất mà ngoại chỉ kịp chạy về để vuốt mắt. Không kịp báo hiếu. Không kịp nói câu "xin lỗi ba, con sai rồi!". Không kịp một cái gì cả.

Vì vậy ngoại cứ bảo với mẹ tớ, chúng ta chỉ còn bà cố để yêu thương. Đừng làm bà buồn. Tớ đâu có làm bà buồn, hìhì...Chẳng phải lần nào gặp tớ, bà cũng cười móm mém đấy sao?

Vậy mà lần này, bà cố chẳng còn cười móm mém nữa. Bà nằm buồn thiu trên cái giường trắng toát ở bệnh viện. Vào thăm bà trở về, tớ cứ đi quanh quẩn trước sân, nhìn đâu cũng thấy nhớ bà hết...

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

Bác sĩ bảo, 2 tuần nữa bà sẽ được xuất viện, cũng hy vọng vào khả năng phục hồi dù mong manh lắm. Dù thế nào thì cả nhà tớ cũng hy vọng. Dù thế nào thì bà cũng sẽ khoẻ lại. Vì tớ ngoan thế này cơ mà...

Mẹ tôi, người xấu tính.




Tôi chẳng thích mẹ tôi một chút nào!

Mẹ tôi xấu tính theo đúng nghĩa của từ xấu tính. Lúc mẹ sinh tôi, mẹ hét to quá, to lắm vì mẹ chịu đau rất kém. Bà ngoại tôi bảo với mẹ "Mày thật xấu tính. Phụ nữ là phải biết chịu đựng. Ai sinh con mà lại chẳng đau đớn? Phụ nữ sinh con mà còn không làm được thì làm được cái gì????".

Mẹ tôi khoác cái vẻ bề ngoài là một cô nàng ngổ ngáo, cứng cỏi, hơi ngang tàng, nhưng trái tim thì lại bằng nước. Giống như một quả bóng nước hình trái tim thôi, thử dùng tay mà nắn xem, chẳng biết nó vỡ lúc nào đâu. Nên mẹ hay khóc, hay buồn, mà nhiều khi chính mẹ cũng chẳng hiểu vì sao mình khóc, mình buồn. Điều đó thật khổ sở cho bất kì ai yêu quý mẹ. (Đương nhiên, khi bạn yêu quý một ai đó, bạn đâu có thích nhìn thấy người ấy đau khổ). Nên tôi không thích mẹ, vì tôi không thích một người luôn làm khổ chính người yêu quý mình.

Mẹ tôi là một bà mẹ lạnh lùng. Khi tôi ngã, mẹ bảo "tự đứng dậy đi con!". Khi tôi khóc, mẹ cũng chẳng dỗ dành vì "khóc được thì cũng phải nín được!". Nhiều khi tôi khóc-hơi vô lý, mẹ lại cáu "nói cho mẹ biết, con bị cái gì vậy?". Mà mẹ thừa biết, tôi đã biết nói đâu? Mẹ nói với ba, vì mẹ muốn tôi tự lập, tôi phải tự chịu trách nhiệm những gì liên quan đến mình. Tự lập, với 1 đứa bé mới 2 tuổi thì có khó quá không? Tôi không biết, nhưng mẹ bảo "yên tâm, con làm được!".

Mẹ tôi lại còn hung dữ nữa. Với bất kì ai động vào tôi. Tôi nhớ, một người bạn mẹ cứ liên tục chê tôi chậm nói, rồi bảo tôi béo phì, rồi còn so sánh là tôi thế này thế nọ với một đứa bé cũng trạc tuổi tôi. Mẹ tôi gầm lên như hổ, "này, không được nói xấu con tớ", thế rồi 2 người "bo xì" nhau. Mẹ bảo, mẹ cũng chẳng cần một người bạn như vậy.

Thỉnh thoảng mẹ tôi bị điên. Điên vì bất lực trước những tiếng khóc của tôi mà mẹ không hiểu nổi. Điên vì mệt mỏi khi phải thức chơi với tôi đến 3 giờ sáng. Điên vì không biết cách nào để giúp tôi đang bị lệch đồng hồ sinh học trở lại bình thường. Điên vì lúng túng chẳng biết phải dạy dỗ tôi thế nào cho đúng. Điên vì mọi thứ cứ đổ ập lên đôi vai gầy của mẹ, mà mẹ cũng mất khả năng phản kháng luôn rồi!

Ai chẳng biết câu yêu thương là phải được nói ra từ sự chân thành, và tự nguyện. Nhưng mẹ tôi thì "ép" tôi phải nói "Trà thương mẹ". Tôi cũng đã từng nghe những bà mẹ khác hỏi con họ "Con thương mẹ không?", đứa bé trả lời "thương mẹ lắm!". Đấy, ít ra cũng phải hỏi ý con và để nó nói lên những gì nó nghĩ. Đằng này, mẹ tôi chỉ chăm chăm bảo "Nào, Trà nói là Trà thương mẹ đi nào!". Bó tay!

Hôm qua là ngày của mẹ. Rất nhiều dòng chữ tình cảm của đứa con dành cho mẹ đã được viết ra. Nhưng tôi thì không muốn, thật sự không muốn. Một phần cũng vì hai ngày vừa rồi, cả nhà tôi tha nhau về Vũng Tàu để thăm mẹ của mẹ của mẹ đang nằm viện. Mẹ tôi lại có dịp điên tiết khi tôi mải ham chơi mà quên ngủ, mẹ cáu cả với ba, với ngoại và sẵn sàng đét vào mông tôi mấy cái, để rồi mặc cho nước mắt nước mũi chảy chảy tèm lem như mưa, mẹ cũng chẳng buồn lau, lấy tay quệt quệt như một đứa trẻ....

Khi mẹ tôi làm cái blog này cho tôi, chẳng hiểu sao mà rất nhiều người bảo "chị thật là một bà mẹ tuyệt vời". Mẹ tôi cảm thấy rất xấu hổ trước lời khen đó. Còn tôi thì thấy mẹ tôi chẳng tuyệt vời chỗ nào cả. Mẹ tôi chỉ là một bà mẹ bình thường với tất cả những tật xấu rất bản năng mà tôi rất không thích!

Ừ, tôi chẳng thích mẹ tôi một chút nào hết. Không một chút nào hết!

Vì tôi thương mẹ tôi. Thương thiệt tình!

(À, entry này cũng là sản phẩm của tình yêu gượng ép đấy. Mọi người có thấy tội cho Trà không?)

Ảnh: mẹ để bà ngoại bế tôi, còn thì chỉ lo chụp ảnh thôi. Ghét thế! Ảnh chụp lúc tôi 6 tháng tuổi

Chiếc hộp đựng âm thanh




Mẹ không biết tự bao giờ, chiếc hộp ấy đã nằm ở một vị trí trang trọng nhất trong phòng khách nhà mình. Chỉ biết rằng khi mẹ mở mắt chào đời, mẹ đã được ông ngoại ru bằng những âm thanh gõ từng nhịp một, những bài hát từ đó tuôn ra như dòng suối. Ông ngoại gọi tên nó là Piano, nhưng mẹ thích nghĩ nó là chiếc hộp đựng âm thanh. Một hộp gỗ lạnh lùng và lặng lẽ đến khó hiểu, chỉ bật lên những giai điệu du dương khi có bàn tay ai đó ve vuốt. Đối với mẹ, chiếc hộp gỗ ấy, và người đàn ông rạp mình trên bàn phím, là điều kì diệu và bí ẩn nhất trên đời...

Xưa, nhà mình ở một khu tái thiết nhỏ bé. Căn nhà 3x7 mét vuông đã mất 1x2 mét vuông để đặt cây đàn. Từ chỗ ngồi đàn, nhìn ra là ô cửa sổ với những chiếc lam bằng gỗ, là nơi những đứa trẻ hàng xóm đang bu kín, dỏng tai lắng nghe như nuốt từng âm thanh vào lòng. Mẹ ngồi cạnh ông ngoại, tranh phần giở quyển tập nhạc, thỉnh thoảng nói vọng ra "Trật tự cho ba tui đàn nha!", hay "Ba tui sắp đàn cái bài hôm nọ tụi mình hát đấy!". Ông ngoại thường bắt đầu buổi "biểu diễn" bằng bài "Trở về mái nhà xưa". Và kết thúc cũng bằng bài ấy. Bọn trẻ con thuộc làu làu, lại còn "tèn ten ten ten tén tèn ten ten" theo. Chúng xem ông ngoại như "thần tượng âm nhạc". Còn mẹ, dĩ nhiên là sung sướng và tự hào lắm!

Rồi nhà mình chuyển đi nơi khác. Nhà mới rộng hơn. Cây đàn cũng không còn phải sống trong một không gian tù túng. Mẹ đã nghĩ rằng âm thanh của nó hẳn sẽ có chiều dài và cả chiều sâu để nhảy múa. Nhưng khi ông ngoại ngồi vào đàn, mọi người bắt đầu cảm thấy sự lạc lõng mà không hiểu vì sao. Vì không còn những đứa trẻ ư? Vì ngôi nhà rộng đến mức âm thanh của nó không còn có thể chạm đến những bức tường? Hay là vì....

....Chỉ là vì người tạo ra âm thanh ấy và những người đang thưởng thức nó đã không còn tình yêu và sự tha thiết nữa. Mãi sau này mẹ mới nhận ra điều đó.

Ông ngoại rời khỏi nhà, những bài hát cũng đi theo ông. Chỉ có cây đàn là ở lại. Nhưng lúc này, nó trở về với hình hài một chiếc hộp gỗ lạnh lùng và lặng lẽ. Không có ông ngoại, cây đàn trở nên vô tích sự. Nó không biết hát. Không biết reo lên như khi ông ngoại chạm vào. Mà cũng không ai dám mở nó ra nữa. Những âm thanh bật ra từ nó sẽ khiến kí ức ùa về làm mình đau nhói. Bà ngoại quyết định bán nhà, và cây đàn, thêm một lần chuyển đến một nơi ở khác.

Ngôi nhà mới hoàn toàn không có một kí ức gì. Ngoài cây đàn đã cũ. Lớp vẹcni đã mòn, một vài chiếc phím bị ố vàng và hỏng dây. Mẹ lặng lẽ cầm chiếc nhẫn của mình gần 1 triệu, kêu thợ về tu bổ cây đàn. Lúc ấy mẹ mười tám tuổi, không có tiền, chỉ có một tình yêu thật lạ kì, với nó. Mười tám tuổi, mẹ đã nghĩ sau này có con, nhất định sẽ dạy nó chơi đàn và để dành cây đàn này cho nó.

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

Một lần, một người bạn chuyên sưu tầm đồ cổ đến nhà chơi, thấy cây đàn, cậu ấy một mực xin mua lại. "Anh sẽ trả 1000 usd để mua nó. Em suy nghĩ nhé". Mẹ cười, "chắc là em chẳng phải suy nghĩ gì đâu anh ạ. Em không bán!". Hôm sau, cậu ấy lại kì kèo "1500 usd thì em có bán không?". Trời ơi, đừng nói 1000, hay 1500 usd, kí ức là vô giá. Anh đừng hỏi nữa nhé! Em cáu đấy! (Uầy, mẹ mìn "hiền" ghê!). Có nhiều khi, nhà mình khó khăn, nhà cửa bán hết, đất đai bán hết, xe cộ bán hết, nữ trang bán hết, mẹ cũng đã nghĩ đến chuyện sẽ bán cây đàn. Nhưng rồi, khi ngồi vào đàn và bắt đầu dạo bài Secret Garden, mẹ chợt giận mình sao lại có cái ý nghĩ nông nổi đó. Bà ngoại cũng bảo, làm gì làm, cũng phải giữ cây đàn lại cho mẹ.

Phải giữ cây đàn cho mẹ.

Và bây giờ là cho con....

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

Hôm qua, mẹ tìm được bức ảnh này trong mớ hình cũ. Mẹ 3 tuổi, hớn hở bên cây đàn mà bây giờ đã là của con

Photo Sharing and Video Hosting at Photobucket

Mẹ giật mình nhận ra, có quá nhiều điểm tương đồng! Phải, chúng ta giống nhau nhiều lắm. Giống từ cái ngón tay đặt trên phím đàn kìa. Giống từ cái dáng ngồi kìa. Giống từ cái hớn hở kìa....Và mẹ chợt tin rằng, sẽ giống cả cách nghĩ nữa....Về một cây-đàn- nhân-chứng của những tháng ngày ông ngoại lớn lên. Rồi mẹ đã lớn lên. Rồi con sẽ lớn lên. Rồi cây đàn sẽ già nua. Nhưng âm thanh của nó, như anh bạn sưu tầm đồ cổ của mẹ đã từng nói "anh muốn mua nó chính vì âm thanh của nó là âm thanh của sự trải nghiệm. Nó chính chắn hơn bất cứ cây đàn nào mà anh đã từng thấy". Đó là âm thanh vượt thời gian. Và bây giờ, mẹ lại tặng nó cho con, chiếc hộp đựng âm nhạc, và cả thời gian nữa!

Để từ đó, con sẽ làm sống lại những âm thanh tưởng đã mất đi trong ngôi nhà của mình.....